Minh bạch thông tin để doanh nghiệp phát triển bền vững - Báo Đất Việt
Minh bạch thông tin để doanh nghiệp phát triển bền vững
(GLX - Kinh tế) - Truy xuất nguồn gốc hiện là yêu cầu bắt buộc đối với các doanh nghiệp xuất khẩu thực phẩm.
Yêu cầu này không chỉ xuất phát từ phía Chính phủ, từ các tổ chức tiêu chuẩn độc lập, mà cả từ phía người tiêu dùng nhằm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Truy xuất nguồn gốc điện tử có nhiều ưu thế với một hệ thống phần mềm nền tảng (platfform) và tạo ra một công cụ để người mua/người tiêu dùng và cơ quan quản lý nhận báo cáo truy xuất dễ dàng bằng smart phone. Đồng thời, có đầy đủ thông tin về nhà sản xuất ở tất cả các khâu, quá trình sản xuất, chất lượng, việc đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh, nhà nhập khẩu. Thông tin tin cậy hơn do được cung cấp qua hệ thống độc lập của bên thứ ba.
Minh bạch thông tin là yêu cầu khách quan, sẽ bắt buộc doanh nghiệp phải thay đổi để có thông tin tốt, cung cấp cho thị trường. Để nâng cao ý thức trách nhiệm về đạo đức kinh doanh ở mỗi đơn vị, Vasep đã kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần quy định bắt buộc ghi trên nhãn của mỗi sản phẩm để người dùng có căn cứ lựa chọn. Doanh nghiệp không làm đúng như nhãn mác sẽ bị truy tố gian lận thương mại.
Nhìn ra trên thế giới, các doanh nghiệp khai thác thủy sản tại vùng Vịnh Mexicô là một ví dụ điển hình cho việc áp dụng thành công việc truy xuất nguồn gốc điện tử. Chính nhờ việc áp dụng thành công này mà ngành hải sản của nơi này đã nhanh chóng phục hồi sau thảm họa tràn dầu. Hệ thống truy xuất nguồn gốc đã hỗ trợ trong việc kiểm soát chặt và loại ra các sản phẩm bị khai thác trong khoảng thời gian có nguy cơ cao, mang lại niềm tin cho người tiêu dùng vào tính an toàn của sản phẩm nhờ sự minh bạch.
Việc thực hiện truy xuất nguồn gốc cũng giúp các doanh nghiệp tại đây đối phó với nạn ghi, dán nhãn giả. Có một thực tế là do được ưa thích, mà trên thị trường thế giới đã có một sự lạm phát các loại hải sản dán nhãn vùng Vình, bất kể chũng có nguồn gốc từ đâu. Và tình trạng này đã làm thiệt hại doanh số đáng kể cho các doanh nghiệp tại nơi đây do không thể cạnh tranh về giá. Nhưng việc triển khai một hệ thống truy xuất nguồn gốc mà các nhà bán lẻ và tiêu dùng dễ dàng tiếp cận đã góp phần rất lớn loại bỏ tình trạng này.
Các doanh nghiệp xuất khẩu trước đây đã thực hiện truy xuất nguồn gốc bằng ghi chép trên giấy. Song cách làm này không minh bạch và nhiều rủi ro, vì chỉ có doanh nhiệp đọc và hiểu được mã số truy xuất nguồn gốc của sản phẩm. Người tiêu dùng hay các tổ chức, cơ quan chức năng muốn biết được nguồn gốc phải đi tìm lại số liệu trong rất nhiều giấy tờ và cũng khó kiểm chứng độ trung thực, chính xác của thông tin truy xuất. Do đó, các cá nhân, tổ chức cũng không thể biết hết về sản phẩm.
Tên tuổi doanh nghiệp xuất khẩu được người tiêu dùng biết đến. Đây cũng là mục tiêu của dự án xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử Traceverified cho nông, thủy sản xuất khẩu của Việt Nam, do Cơ quan Hợp tác phát triển Đan Mạch, thông qua tổ chức Hỗ trợ cạnh tranh toàn cầu (GCF) tài trợ.
Nhiều doanh nghiệp sản xuất nông, thủy sản của Việt Nam chưa coi trọng việc minh bạch thông tin, dù đây là một công cụ hữu hiệu để tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Nhiều chuyên gia đề nghị cần sớm áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử, thay cho truy xuất nguồn gốc bằng ghi chép trên giấy để giúp doanh nghiệp minh bạch thông tin, đáp ứng kịp thời yêu cầu của nhà nhập khẩu, phân phối, cũng như người tiêu dùng.
BDV
Đăng ký: Bài đăng
0 nhận xét:
Đăng nhận xét