“Tự do kinh doanh thì phải là hậu kiểm!” - VnEconomy
“Nếu ý tưởng này được thông qua, tôi cho rằng đây sẽ là một đột phá trong tư duy quản lý theo hướng tôn trọng quyền tự do kinh doanh của người dân, của doanh nghiệp”.
TS. LS Lê Thành Vinh, Phó tổng giám đốc Công ty Luật SMiC thốt lên như vậy trong cuộc trò chuyện với VnEconomy, khi trả lời câu hỏi: liệu Luật Doanh nghiệp sửa đổi (đang được lấy ý kiến, chuẩn bị trình Quốc hội thông qua) có nên bỏ việc ghi ngành nghề trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh?
Cải cách từ gốc tư duy
Ông Vinh nói:
- Câu chuyện ở đây không đơn giản chỉ là bỏ đi một nội dung ghi trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Ở đây, là cả một sự thay đổi tư duy quản lý.
Từ năm 1992, Hiến pháp đã ghi nhận quyền tự do kinh doanh của công dân. Mãi đến 1999, Luật Doanh nghiệp đã thể hiện được tư duy doanh nghiệp được làm những gì pháp luật không cấm.
Tuy nhiên, việc buộc phải đăng ký kinh doanh theo ngành nghề đã làm cho câu chuyện tự do kinh doanh không còn nguyên vẹn nữa. Bởi đơn giản, anh chỉ được kinh doanh trong cái ngành nghề mà anh đăng ký, mà đăng ký lại từ một danh mục hệ thống mã ngành kinh tế của Việt Nam do Nhà nước - người không kinh doanh - định ra.
Sau đó, mỗi lần muốn kinh doanh khác ngoài ngành nghề, doanh nghiệp lại phải làm thủ tục bổ sung. Mà thủ tục đâu có nhanh được, đặc biệt là thực tiễn ở Việt Nam.
Cuối cùng là gì, cơ hội kinh doanh rất có thể đã tuột mất!
Tôi cho rằng cần phải bỏ việc đăng ký kinh doanh theo ngành nghề định sẵn, bỏ ngay việc ghi ngành nghề trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp chỉ nên ghi những yếu tố cơ bản để xác định danh tính và phạm vi trách nhiệm của doanh nghiệp trong quan hệ với đối tác khác.
Những yếu tố này chỉ nên bao gồm tên, địa chỉ, người đại diện theo pháp luật, vốn góp bao nhiêu, loại hình là gì, nếu có cần ghi nữa thì chỉ ghi ai là người góp vốn thành lập doanh nghiệp này, tức chủ nhân nó là ai.
Cần phải làm đơn giản hóa mọi thủ tục, theo hướng thành lập chỉ là đăng ký với nhà nước để khai sinh ra doanh nghiệp, và rồi họ được tự do sáng tạo, chủ động kinh doanh mọi ngành nghề mà pháp luật không cấm.
Tôi nhấn mạnh lại là cải cách nên từ gốc tư duy chứ không chỉ là thủ tục. Cần xem khâu đăng ký thành lập như là việc đăng ký khai sinh ra một chủ thể, chứ không phải là một tham vọng tiền kiểm hết mọi thứ như hiện nay.
Tất nhiên, có một số ngành nghề kinh doanh mà vì lý do công cộng như an ninh quốc phòng, thuần phong mỹ tục, sức khỏe cộng đồng… mà Nhà nước buộc doanh nghiệp phải đáp ứng một số điều kiện nhất định mới được phép kinh doanh.
Theo tôi, Nhà nước cứ phải cho doanh nghiệp khai sinh đã, nếu họ muốn bắt đầu tiến hành kinh doanh ngành nghề có điều kiện thì họ phải chứng minh với cơ quan quản lý là đã đáp ứng được một số điều kiện mà pháp luật có yêu cầu.
Chỉ có như vậy thì mới có thể động viên, khơi thông mọi ý tưởng kinh doanh, mọi nguồn vốn nhàn rỗi vào đầu tư kinh doanh sinh lời, tạo ra của cải vật chất cho xã hội.
Xác định một tư duy dứt khoát
Vẫn có một số ý kiến e ngại rằng thủ tục quá đơn giản sẽ lại tạo cơ hội cho một số doanh nghiệp “trục lợi”, ông có quan điểm thế nào?
Đây là lập luận thường gặp của những người không ủng hộ cải cách.
Tôi cho rằng những người này cần phải xác định được đúng ý nghĩa của khâu thành lập doanh nghiệp. Đây đơn giản chỉ là bước đăng ký với Nhà nước để khai sinh ra một chủ thể để họ tiến hành các hoạt động kinh doanh mà thôi.
Còn khi họ thực hiện các hoạt động kinh doanh thì họ phải tuân thủ một loạt các quy định mà chúng ta thường gọi là khung pháp lý điều chỉnh hành vi của họ. Vượt ra khỏi khung pháp lý này, thì anh đã vi phạm rồi.
Câu chuyện trước hết sẽ thuộc về nhà làm luật, nhà kiến tạo ra khung pháp lý là làm sao để doanh nghiệp không dám vi phạm.
Doanh nghiệp họ thường nghĩ rất đơn giản, có lợi nhuận thì làm, không thì thôi. Nếu vượt rào mà bị tuýt còi nhưng vẫn có lợi thì họ vẫn cứ vượt rào. Do vậy, câu chuyện sẽ là chế tài xử lý.
Ở các nước tiên tiến, chế tài xử lý rất nghiêm. Nghiêm đến mức người ta sợ không dám nghĩ tới việc vi phạm. Ở Việt Nam thì lại chưa đạt được mức độ này.
Câu chuyện nữa là thực thi. Luật nghiêm nhưng thực thi cũng phải nghiêm. Không thì lại chẳng ai sợ cả. Khâu này ở ta cũng rất yếu.
Nói vậy để thấy hai vấn đề thủ tục đơn giản và doanh nghiệp trục lợi nên được xem xét một cách tách biệt. Không phải vì thủ tục đơn giản mà doanh nghiệp trục lợi. Thay vào đó, doanh nghiệp trục lợi vì pháp luật chưa nghiêm, thực thi lỏng lẽo, tiêu cực.
Thủ tục kiểm soát thành lập có làm chặt chẽ đi nữa, nhưng nếu luật không nghiêm, thực thi lỏng lẻo thì cũng sẽ doanh nghiệp trục lợi. Thực tế nhiều năm qua đã cho thấy dù có duy trì thủ tục tiền kiểm phức tạp, việc các doanh nghiệp vi phạm, trục lợi như doanh nghiệp ma, buôn bán hóa đơn vẫn nhiều đấy thôi.
Cũng có nhiều ý kiến kỳ vọng vào hoạt động hậu kiểm, tuy nhiên việc này có khả thi với lực lượng và cách làm như hiện nay?
Theo tôi, tư duy tự do kinh doanh thì phải là hậu kiểm!
Cho anh tự do làm đi, Nhà nước sẽ kiểm tra, giám sát và xử lý nếu anh vi phạm. Không thể nói vì lực lượng kiểm tra và cách làm của họ chưa ổn nên cứ phải tiền kiểm cho chặt. Làm như vậy chỉ có cách kìm hãm sự phát triển mà thôi.
Lực lượng chưa tốt, cách làm chưa ổn thì phải tập trung cải cách khâu này. Kể cả có muốn tiền kiểm tốt thì cũng phải có lực lượng làm công tác tiền kiểm tốt.
Quay lại câu chuyện tiền kiểm, thử hỏi rằng Nhà nước sẽ tiền kiểm được gì, khi bắt người ta đăng ký kinh doanh theo ngành nghề mà Nhà nước định sẵn trong thực tiễn kinh doanh vô cùng đa dạng? Tôi cho rằng ở giai đoạn thành lập, Nhà nước chỉ nên đặt tham vọng tiền kiểm ở chỗ kiểm tra tư cách của anh, xem anh là ai, có bị cấm tham gia thành lập không, có địa chỉ thật không, tức có gì xác nhận là anh thuê hay sở hữu địa điểm mà anh đăng ký đặt trụ sở, vốn đăng ký bao nhiêu.
Góp vốn ban đầu chỉ nên dừng lại ở đăng ký, sau này cứ hết thời hạn góp vốn mà doanh nghiệp không thông báo kèm theo giấy tờ chứng minh đã góp đủ vốn thì cơ quan quản lý phải vào cuộc kịp thời để xử lý tránh trường hợp vốn ảo, gây hệ lụy xấu cho xã hội nói chung và các đối tác khách hàng của doanh nghiệp có vốn ảo này nói riêng.
Theo tôi, cần xác định một tư duy dứt khoát rõ ràng, việc nào ra việc đấy.
Nhà nước phải tạo ra một cơ chế thật đơn giản, để khơi dậy tối đa các nguồn lực đưa vào kinh doanh, để doanh nghiệp chủ động chớp cơ hội kinh doanh mọi nơi mọi lúc.
Nhà nước nên tập trung vào khâu hoàn thiện thể chế chính sách, tạo khung pháp lý rõ ràng với những chế tài đủ mức răn đe, đồng thời kiện toàn bộ máy kiểm tra, giám sát xử lý kịp thời các hành vi vi phạm.
%3Cbr%3E%C4%90%C4%83ng%20k%C3%BD:%20%3Ca%20href=">Bài đăng