Bỏ học vì đồ handmade
Kể lại sự ra đời của chiếc mô tô đẹp uốn từ tăm tre, Phan Giang Nam (23 tuổi, sinh viên năm nhất Đại học Thương mại) chia sẻ: "Khi tôi nói tôi có thể uốn một cây tăm thẳng thành cong với vài người bạn, họ lập tức cười. Họ cho rằng tôi nói phét, chém gió. Nhưng cuối cùng, sản phẩm mô tô tăm tre đã ra đời".
Cũng với cách "nói là làm" ấy, Nam đã từng tự làm mô hình thuyền tăm tre chỉ sau một lần nhìn thấy món quà tương tự trong sinh nhật chị gái. Các sản phẩm tiếp theo như nhà, biệt thự tăm tre, quà tặng handmade từ vỏ đạn, bóng đèn sợi đốt... lần lượt ra đời, thúc đẩy cậu sinh viên tỉnh lẻ nuôi khát vọng thành công sớm tại thủ đô.
|
Ở cả 3 trường đại học, cao đẳng, Phan Giang Nam được bạn bè biết đến là thành viên đa tài, hoạt động đoàn thể tích cực. Ảnh: NVCC. |
Trước khi trở thành sinh viên Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội, Nam từng theo học Cao đẳng Sư phạm Vĩnh Phúc khoa Toán-Lý. Tuy nhiên, để có thêm nhiều cơ hội phát triển bản thân, Nam quyết tâm thi đỗ đại học tại Hà Nội.
Chàng sinh viên này được bạn bè biết tới là thành viên đa tài, hoạt động tích cực trong các câu lạc bộ tình nguyện, văn nghệ đoàn thể. Tình cờ, sản phẩm chiếc thuyền tăm tre trong vỏ chai coca mà cậu làm tặng Câu lạc bộ tình nguyện ở trường được nhiều người yêu thích và có khách đặt hàng.
Đơn hàng đầu tiên đã mở hướng kinh doanh cho Nam. Sau khi tham gia Câu lạc bộ thắp sáng ước mơ doanh nhân, được một đàn anh đào tạo, động viên, Nam quyết thực hiện tham vọng khởi nghiệp từ đồ handmade của mình.
Sau vài tháng làm thêm, cậu có đủ vốn để thuê một căn phòng nhỏ, mở lớp dạy làm quà tặng handmade cho học sinh, sinh viên và tập trung làm quà tặng từ tăm tre bán online.
Trong gần 1 năm, lớp học của Nam duy trì lượng học viên khá ổn định mỗi lớp khoảng 10 người, với học phí 30.000 đồng mỗi buổi. Các sản phẩm quà tặng tăm tre của cậu có giá bán lẻ 150.000-300.000 đồng bước đầu được thị trường đón nhận. Bên cạnh kênh online, một số nhà sách, hàng quà tặng tại Hà Nội cũng chấp nhận hợp tác, làm đại lý bán lẻ cho Nam.
Cảm thấy có thể phát triển, Nam rủ thêm một người bạn chung vốn, phụ trách đứng lớp dạy học viên, làm sản phẩm, còn mình tập trung mở rộng thị trường, tìm đầu ra. Hoạt động được một thời gian, nhóm Nam được một nhà đầu tư tìm đến đề nghị rót vốn, hợp tác. Mải mê với kinh doanh, Nam đã bỏ lỡ thi học kỳ, và phải thôi học khi vừa hết năm 3.
Học lại, khởi nghiệp lại, mơ chinh phục thị trường miền Bắc
Sau một thời gian dài tập trung phát triển sản phẩm, mở rộng thị trường, Nam bắt đầu gặp khó. Cậu nhìn thấy những trở ngại của mình: Mẫu mã chưa phong phú, tính ứng dụng sản phẩm chưa cao, năng suất thấp, do phải đầu tư quá nhiều thời gian. Và cũng chính lúc này, những người bạn sinh viên đang hợp tác lần lượt nghỉ, để tập trung cho năm học cuối.
Cảm thấy mạo hiểm, nhà đầu tư rút vốn, Nam rơi vào tình trạng bế tắc. Riêng chuyện bị buộc thôi học khi vừa hết năm 3, Nam khẳng định: "Cho tới bây giờ tôi vẫn chỉ tiếc chứ không ân hận. Tiếc vì giá như mình sắp xếp thời gian hợp lý hơn, có lẽ đã có thể bảo lưu kết quả học để tập trung cho đam mê kinh doanh".
|
Các sản phẩm handmade từ tăm tre do Nam làm đang dần được thị trường Hà Nội đón nhận. Ảnh: Nam Phan. |
Quyết tâm làm lại từ đầu, năm 2014, Nam lại thi và đỗ khoa Tài chính Ngân hàng, Đại học Thương mại. Song song với việc học, cậu tiếp tục mày mò làm và bán các sản phẩm handmade ra thị trường.
Ngoài những món quà tự chế như biệt thự tăm tre, mô hình mô tô, xe đạp, que kem tăm tre, hiện Nam nhận làm thêm các loại quà tặng handmade làm từ vỏ đạn như lắc chìa khóa, vỏ đạn khắc tên, bút bi vỏ đạn... Rút kinh nghiệm những thất bại trước, các sản phẩm thế hệ sau ngoài đẹp về mẫu mã, mang nhiều ý nghĩa, còn có tính ứng dụng cao.
Nhắm tới đối tượng chủ yếu là học sinh, sinh viên, Nam cố gắng đưa ra khung giá bình dân nhất, dao động 30.000-300.000 đồng mỗi sản phẩm. Hiện đã có một số nhà sách, siêu thị, cửa hàng lưu niệm, các shop thời trang tại Hà Nội nhận đặt mua buôn số lượng lớn, lâu dài.
|
Mỗi biệt thự tăm tre ra đời đều ngốn của Nam khá nhiều thời gian và công sức. Ảnh: Nam Phan. |
Nam cho biết, đang chuẩn bị mua thêm máy móc, thiết bị làm thay sức người trong một số công đoạn đơn giản. Công khai "lương tháng" của mình hiện chỉ đạt 4 triệu đồng, Nam thật thà: "Doanh thu phải liên tục quay vòng cho nguyên vật liệu, mặt bằng, đầu tư máy móc... nên lợi nhuận chỉ có vậy".
Tuy nhiên, không như giai đoạn trước, hiện Nam cảm thấy tự tin, vui vẻ với cuộc sống của mình. Cậu có được kinh nghiệm sau những thất bại, có thêm kiến thức chuyên ngành về kinh doanh, và quan trọng là nhìn thấy đầu ra sản phẩm của mình. Nam tự tin sẽ sớm chinh phục thị trường quà tặng handmade cả miền Bắc.