Doanh nhân Việt Nam “ba chìm bảy nổi” - Tiền Phong Online
Tại Diễn đàn doanh nhân Việt Nam 2014 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hôm qua 19/9, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan cho rằng, ngày doanh nhân Việt Nam đã có 10 năm nay. Thế nhưng, nhìn lại thời gian qua, họ cũng đang trong tình cảnh “ba chìm bảy nổi”.
Theo ông, cần phải cải thiện một số vấn đề, nếu không “thì doanh nhân không thể lớn lên được”.
Ông cho rằng, xã hội nói chung “chưa thấm vào máu” về vai trò của doanh nhân trong xã hội. Trong khi “chúng ta gắn kết với nhau sao mà khó thế”, tình trạng này không chỉ với doanh nghiệp, mà các địa phương cũng thế.
“Có ông bạn Nhật nói với tôi thế này, người Việt Nam thông minh lắm, cái gì cũng tranh luận, kéo dài triền miên, kể cả cấp quản lý, cả cấp làm ăn”- ông Vũ Khoan nói.
Ông cũng đặt vấn đề chữ tín, khi chúng ta chưa đề cao lắm, trong khi vẫn còn cái “gene đợi chờ từ nhà nước tương đối đậm đặc”.
Nguyên Phó Thủ tướng cho hay, dù chúng ta đặt mục tiêu đến năm 2020 thành nước công nghiệp, hiện đại. “Nhưng xem ra, chúng ta chưa có ngành gì cả. Luyện kim, cơ khí không ra hồn, đóng tàu nó đi đâu rồi, chiến lược ô tô rất hoành tráng, nhưng chưa thấy xe đâu, xe máy còn chưa có bảo là ô tô. Smartphone chưa thấy đâu cả… Tất cả trông chờ” - ông Vũ Khoan chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, Chủ tịch Tập đoàn Đầu tư Phát triển Việt Nam nhớ lại: Chúng tôi thành lập doanh nghiệp năm 1996, khi chưa có Luật Doanh nghiệp. Chúng tôi phải loay hoay hơn 1 năm trời mới xin được giấy phép xuất khẩu, rồi sau đó, sản phẩm của chúng tôi có mặt trên 20 nước trên thế giới.
“Môi trường kinh doanh, đầu tư cũng như chính quyền cần thân thiện, cởi mở hơn nữa sẽ tháo gỡ rất nhiều cho doanh nghiệp”- bà Hường nói.
Ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TPHCM cho rằng, 10 năm qua, cộng đồng doanh nghiệp gặp những khó khăn chưa từng thấy. Hàng trăm ngàn doanh nghiệp rời thị trường, chết có, chết chưa chôn có, thậm chí chết chôn cũng không được. Số lượng rời khỏi thị trường lớn như thế là bất bình thường. Doanh nghiệp chết đi, vừa mất công ăn việc làm, và kéo theo bao nhiêu hệ lụy. Sức mua yếu, tồn kho nhiều, nợ xấu cũng từ đó.
TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế T.Ư cho rằng: Vượt qua khó khăn, rủi ro thương trường, đó là trách nhiệm, bổn phận của doanh nghiệp, nhưng vượt qua về thể chế, môi trường là rất khó.
Theo ông, ở ta chính sách cứ “sáng đúng, chiều sai, sáng mai lại đúng, bên tây đúng, bên đông lại sai”. Như thế, doanh nghiệp không thể tính toán chiến lược, mà phải đối phó. Nhà nước cần tạo ra môi trường thuận lợi, để doanh nhân tập trung vào thương trường, hơn là tập trung chuyện đối phó với những việc khác.
Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, rào cản lớn nhất hiện này là con người, chứ không phải chính sách. “Tôi lấy làm ngạc nhiên, khi thủ tục thuế, hải quan nó dài thế. Cái này cũng do con người làm… Hay với lương bổng như hiện nay, không tham nhũng, mới là chuyện lạ. Thể chế, cuối cùng cũng là đời sống”.
%3Cbr%3E%C4%90%C4%83ng%20k%C3%BD:%20%3Ca%20href=">Bài đăng
0 nhận xét:
Đăng nhận xét