TMĐT: Thị trường các tỉnh tăng nhanh - Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online
TMĐT: Thị trường các tỉnh tăng nhanh
Chí Thịnh
Theo các doanh nghiệp kinh doanh thương mại điện tử, hiện lượng khách mua sắm trực tuyến đang tăng mạnh. |
(TBKTSG) - Theo ghi nhận từ các doanh nghiệp kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT), gần đây sức mua hàng trực tuyến tăng nhanh ở một số tỉnh thành ngoài hai thành phố lớn là TPHCM và Hà Nội. Không chỉ tăng về số lượt nhấp “chuột” mua hàng, giá trị giao dịch trung bình ở khu vực này cũng đang tăng nhanh.
Giao dịch ở các tỉnh tăng nhanh
Theo con số ước tính của Công ty cổ phần Dịch vụ giao hàng nhanh, hai thị trường lớn về mua sắm trực tuyến là TPHCM và Hà Nội hiện chỉ chiếm khoảng 55% số lượng đơn hàng do công ty này vận chuyển; 45% thuộc về các tỉnh thành khác. Trước đây, tỷ lệ này lần lượt là 80% và 20%.
Ông Lương Duy Hoài, Tổng giám đốc Công ty Giao hàng nhanh, cho biết trong ba tháng gần đây, một số địa phương như Đà Nẵng, Cần Thơ... có lượng giao dịch trực tuyến tăng mạnh so với Hà Nội và TPHCM.
Một số đơn vị giao nhận khác cũng cho biết thời gian gần đây, một số địa phương như Lào Cai, Đà Nẵng, Cần Thơ... có lượng đặt hàng các món hàng giá trị lớn như ti vi LCD/LED màn hình lớn (từ 42 inch trở lên) tăng lên.
Trước đây, các thị trường ở xa hai thị trường tiêu dùng Hà Nội và TPHCM thường chỉ đặt mua các món hàng giá trị nhỏ như bao da điện thoại, chuột máy tính, balô, túi xách...
Theo ghi nhận của TBKTSG, số lượng khách hàng mua sắm trực tuyến “trung thành” ở các tỉnh cũng bắt đầu tăng so với trước. Một số cửa hàng trên mạng cho biết số lượng đổi trả hàng ở các tỉnh thấp hơn hẳn so với hai thành phố lớn.
Ông Hoàng Giang, chủ cửa hàng kinh doanh trực tuyến phukiengiare.vn, cũng cho biết gần đây, số khách hàng ở các tỉnh thành ngoài TPHCM truy cập vào trang web này để mua hàng đang tăng lên. Do đó, phukiengiare.vn phải tìm một đơn vị giao nhận COD (giao hàng, thu tiền hộ) có khả năng giao hàng đến các huyện, xã vùng sâu.
Thống kê hồi đầu năm 2014 của sàn giao dịch TMĐT Sendo.vn cũng cho thấy số lượng đơn hàng mua sắm trực tuyến từ các tỉnh thành tăng nhanh so với hai thị trường chủ lực là Hà Nội và TPHCM. Tổng số đơn hàng từ các tỉnh thành ngoài TPHCM và Hà Nội chiếm 54%; hai thành phố lớn chỉ dừng lại ở mức 46%.
Sendo.vn ghi nhận ba địa phương có số lượng đơn hàng và giá trị giao dịch dẫn đầu là Thái Nguyên, Lào Cai và Lai Châu. Đặc biệt, tỉnh Thái Nguyên có sự vượt trội về số lượng đơn hàng và giá trị giao dịch trung bình của một đơn hàng (hơn 472.000 đồng); giá trị giao dịch trung bình tại TPHCM và Hà Nội chỉ đạt lần lượt là 313.000 đồng và 257.000 đồng/đơn hàng.
Ông Trần Hải Linh, Tổng giám đốc Sendo.vn, nhận xét chính do yếu tố khoảng cách giữa người mua và người bán, sắp tới, số lượng khách hàng ngoài Hà Nội và TPHCM sẽ chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số giao dịch trên Sendo.vn.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến phản biện từ một số chuyên gia trong lĩnh vực TMĐT, rằng số lượng đơn hàng cũng như giá trị TMĐT của một số tỉnh thành tăng nhanh chưa đủ khẳng định thế thượng phong của khu vực thị trường này. Các thành phố lớn như TPHCM, Đà Nẵng và Hà Nội vẫn đang chứng tỏ ưu thế về số lượng khách hàng có thói quen mua sắm trực tuyến.
Theo phân tích của các chuyên gia này, dù có số lượng đơn hàng lớn nhưng nếu giá trị của đa số đơn hàng lại nhỏ hơn giá trị đơn hàng trung bình của TPHCM thì thị trường đó chưa đủ sức hấp dẫn. Ví dụ tỉnh Th.N có 300 đơn hàng với giá trị trung bình là 3,6 triệu đồng (cao hơn TPHCM) nhưng giá trị giao dịch của phần lớn đơn hàng là 2,1 triệu đồng. Trong khi đó, dù chỉ có 200 đơn hàng nhưng TPHCM lại có giá trị giao dịch ổn định ở mức 3,57 triệu đồng/đơn hàng.
Giải pháp hiện nay của TMĐT Việt Nam Các doanh nghiệp TMĐT vẫn đang chấp nhận kinh doanh theo cách giao hàng, nhận tiền (COD) dù giải pháp này có tỷ lệ rủi ro cao về đổi trả hàng. Bản thân các doanh nghiệp quy mô nhỏ cũng không thể xây dựng đội ngũ giao nhận riêng nên họ cần đến lực lượng giao hàng chuyên nghiệp, có độ “phủ sóng” ở nhiều tỉnh thành. Do đó, một giải pháp hoàn chỉnh cho ngành TMĐT ở Việt Nam là sự kết hợp nhịp nhàng giữa doanh nghiệp TMĐT và các đơn vị cung cấp dịch vụ COD. |
Đáp ứng nhu cầu khách hàng
Trước đây, thị trường các tỉnh thành cũng có nhu cầu mua sắm qua mạng nhưng các doanh nghiệp TMĐT chưa có mạng lưới giao hàng đủ rộng để đáp ứng nhu cầu này. Trong một số trường hợp, các doanh nghiệp đành phải từ chối yêu cầu mua hàng của khách ở xa. Một số cửa hàng trên các diễn đàn hoặc Facebook, khi bán hàng tới Hải Dương, Phú Thọ, An Giang... thường chỉ có thể trông cậy vào mạng lưới chuyển phát nhanh của hai “ông trùm” bưu chính trong nước là VNPost và ViettelPost. Do đó, khi đơn hàng bị chậm phát hoặc tiền bán hàng chậm quay lại thì các cửa hàng cũng đành “chịu chết”.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, song hành cùng các doanh nghiệp TMĐT là sự mở rộng độ phủ của các đơn vị giao nhận COD đến tận các tỉnh xa. Nếu trước đây, các cửa hàng trực tuyến chủ yếu sử dụng dịch vụ của VNPost và ViettelPost thì nay đã có thêm dịch vụ của Giaohangnhanh, Tín Thành Kerry, Seabornes (Công ty Song Bình)...
Cổng giao nhận, vận chuyển hàng hoá Shipchung.vn (thuộc Công ty PeaceSoft, sở hữu chodientu.vn) cũng đang hợp tác với các công ty giao nhận như ViettelPost, Giaohangnhanh... để giao hàng đến các tỉnh xa. Shipchung đã khẳng định với các doanh nghiệp TMĐT đối tác là có thể cung cấp dịch vụ giao hàng, thu tiền hộ trên phạm vi toàn quốc.
Trong khi đó, hàng hóa của Sendo cũng được chuyển phát đến 63 tỉnh thành. Lazada, ngoài việc cam kết giao nhận hàng hóa đến tận tay khách hàng ở 63 tỉnh thành, từ tháng 10-2014 sẽ có thêm dịch vụ “giao hàng hỏa tốc” ở TPHCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Vũng Tàu...
Theo đại diện Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM), người tiêu dùng mua hàng trên mạng thì dễ, nhưng trả lại hàng thì khó nên các doanh nghiệp TMĐT phải dùng đến dịch vụ COD và họ rất cần sự cam kết về chất lượng dịch vụ của các đối tác giao nhận mới mong có thể phát triển thị trường trên diện rộng.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét