Đại gia Việt bỏ nghề giáo đi kinh doanh - VietNamNet
Trước khi trở thành những doanh nhân nổi tiếng bậc nhất Việt Nam, họ đều đứng trên bục giảng, truyền đạt những kiến thức, tinh hoa của nhân loại cho thế hệ trẻ.
Chủ tịch FPT Trương Gia Bình
Ông là một thành đạt nhưng ít người biết ông còn là một nhà khoa học được đào tạo tại Liên Xô. Trước khi trở thành một doanh nhân nổi tiếng như bây giờ, ông Bình đã có một thời gian dài tham gia vào lĩnh vực giáo dục.
Sinh năm 1956, ông Trương Gia Bình là sáng lập viên, Chủ tịch và là Tổng giám đốc của FPT trong hơn 20 năm (1988-2009). Ông từng là Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm Việt Nam (VINASA) từ năm 2001, Chủ tịch Hội doanh nghiệp trẻ Việt Nam (với số lượng thành viên lên tới 2500 doanh nghiệp trên 43 tỉnh thành của Việt Nam) từ năm 1998, Trưởng Khoa Quản trị Kinh doanh (ĐHQG HN) từ năm 1995, và Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT với số lượng nhân viên lên tới 12.000 người.
Chủ tịch FPT Trương Gia Bình |
Ông Bình là học sinh trường cấp 3 Chu Văn An khóa 1970 đến 1973, tốt nghiệp chuyên ngành Toán học và Vật lý học tại Đại học Matx-cơ-va khóa 1974 đến 1979; Tiến sỹ Toán học và Vật lý học tại Đại học Matx-cơ-va năm 1982. Ông được công nhận chức danh phó giáo sư năm 1991.
Trong một lần tâm sự với báo giới, ông Bình chia sẻ: “Năm 1985, tôi về Việt Nam, một người bạn than thở: “Bình ơi đói quá không nuôi nổi vợ con, mình phải làm cái gì đi chứ?”. Vượt lên nghèo khó vốn là một suy nghĩ chất chứa trong đầu từ lâu, và tôi quyết định lập nhóm “Nhiệt và chất” ở Viện Cơ rồi bắt đầu làm kinh tế. Năm 1988, FPT chính thức ra đời với 13 thành viên”.
Ông Trương Gia Bình cũng là người có công lớn thành lập Khoa Quản trị Kinh doanh (HSB) trực thuộc Đại học quốc gia Hà Nội. Khoa được thành lập từ năm 1995 là một địa chỉ đào tạo MBA quen thuộc và có uy tín tại Việt Nam.
Năm 2006, công ty của ông đã mở Đại học FPT, trường đại học tư nhân đầu tiên của Việt Nam và ông có vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị của nó. Ông cũng tham gia vào hoạt động giảng dạy. Một số môn học ông trực tiếp đứng lớp là môn Nghệ thuật lãnh đạo, Văn hóa doanh nghiệp…
Nghiệp “gõ đầu trẻ” của ông chủ ACB
Ông Trần Mộng Hùng là một doanh nhân quyền lực của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB). Trước khi bước chân vào thương trường, những năm trước 1990, ông có thâm niên làm nhà giáo.
Ông Trần Mộng Hùng – Chủ tịch Hội đồng sáng lập ACB nguyên là giảng viên của Trường cao cấp Nghiệp vụ Ngân hàng. Một trong những lý do khiến vị lãnh đạo tài ba này bỏ nghề là: thu nhập nghề giáo quá thấp, trong khi khá vất vả.
Ông Trần Mộng Hùng |
Báo cáo tình hình quản trị của ACB mới công bố cho thấy, tính đến 30/6/2014, gia đình người sáng lập Trần Mộng Hùng vẫn đang sở hữu khối lượng cổ phiếu khổng lồ tại nhà băng này. Bản thân ông Trần Mộng Hùng đang là Thành viên HĐQT ACB, nắm giữ 16,52 triệu cổ phần, tương ứng 1,76% vốn điều lệ. Bà Đặng Thu Thủy - vợ ông Hùng, nắm xấp xỉ 11 riệu cổ phần, tương ứng tỉ lệ 1,76%. Bà Thủy cũng đang là Thành viên HĐQT ACB.
Con trai ông Trần Mộng Hùng là ông Trần Hùng Huy - hiện giữ chức vụ cao nhất tại ACB - Chủ tịch HĐQT, đang sở hữu 28,77 triệu cổ phần, tương tứng tỉ lệ 3,07% vốn điều lệ ngân hàng.
Đại gia gỗ Trường Thành
Ông Võ Trường Thành sinh năm 1958, trên đất võ Tây Sơn - Bình Định. Năm 21 tuổi, khi đang làm nghề giáo viên, ông Thành quyết định rời vùng đất võ Tây Sơn lên Tây Nguyên lập nghiệp. Công việc ở xưởng chế biến gỗ của Lực lượng Thanh niên xung phong đóng tại Tây Nguyên đã khởi đầu mối lương duyên của người thầy giáo trẻ với gỗ.
Sau hơn 7 năm miệt mài cùng xưởng gỗ, ông được bầu làm Giám đốc Xí nghiệp Khai thác và Chế biến lâm sản Thanh niên Xung phong. Niềm đam mê với gỗ đã thúc đẩy ông tự khởi nghiệp với số vốn vay mượn 50 triệu đồng, thành lập xưởng sơ chế gỗ tại Đắk Lắk vào năm 1990.
Ông Võ Trường Thành |
Từng là giáo viên dạy Toán, ông Thành luôn áp dụng tư duy Toán học để tìm lời giải cho các vướng mắc trong điều hành. Chính điều này đã tạo điều kiện cho hoạt động của doanh nghiệp luôn ổn định và phát triển.
Nhưng cuối năm 2008 đầu 2009, kinh tế bắt đầu khó khăn và nhu cầu tiêu thụ sản phẩm gỗ nội thất trên thế giới cũng giảm đã đẩy doanh nghiệp của ông rơi vào tình trạng khó khăn. Năm 2013, thông tin Trường Thành đang nợ ngân hàng hơn 1.000 tỷ đồng khiến không ít người ngỡ ngàng.
(Theo Đại Lộ)
%3Cbr%3E%C4%90%C4%83ng%20k%C3%BD:%20%3Ca%20href=">Bài đăng
0 nhận xét:
Đăng nhận xét