Doanh nghiệp phương Tây bị phân biệt đối xử ở Trung Quốc - VNExpress
Các công ty châu Âu đang tố cáo Trung Quốc sử dụng "biện pháp đe dọa" trong chiến dịch chống độc quyền để gài bẫy họ và làm lợi cho doanh nghiệp địa phương.
Lời phàn nàn công khai hiếm hoi này được đưa ra sau khi nhiều hãng xe ngoại, trong đó có Mercedes Benz, Audi và Chrysler cho biết đang bị giới chức Trung Quốc điều tra chống độc quyền. Việc này có thể khiến họ bị phạt 10% doanh thu hàng năm tại thị trường xe hơi lớn nhất thế giới.
Trong một số trường hợp, chỉ các công ty phương Tây làm việc trong liên doanh với đối tác Trung Quốc là bị nêu tên trong cuộc điều tra. Một số đã phải thay đổi chính sách giá, nhằm xoa dịu giới chức và dập tắt lời phàn nàn của giới truyền thông rằng hãng xe ngoại bán đắt cho khách hàng Trung Quốc.
Mercedes phải giảm trung bình 15% giá bán các phụ tùng xe, CNN cho biết. Chrysler giảm 20% giá phụ tùng và hơn 10.000 USD giá dòng xe Jeep Grand Cherokee SRT8.
Audi đang bị điều tra chống độc quyền tại Trung Quốc. Ảnh: Car Advice |
Phòng Thương mại châu Âu tại Trung Quốc cho biết họ đã nghe thấy nhiều chuyện như thế này từ các ngành công nghiệp khác nhau, rằng "các biện pháp đe dọa bằng chính sách được áp dụng để ép các công ty chấp nhận bị phạt mà không thông qua xét xử".
Cơ quan này đại diện cho 1.800 công ty đang hoạt động tại Trung Quốc. Họ cho biết doanh nghiệp châu Âu đang ngày càng lo ngại công ty nước ngoài bị phân biệt đối xử tại đây. “Luật cạnh tranh không nên được sử dụng để làm công cụ chính sách gây hại đến các công ty khác, hoặc để phục vụ cho mục đích nào đó”, cơ quan này cho biết.
Cuộc điều tra hiện tại được thực hiện theo luật chống độc quyền của Trung Quốc, có hiệu lực từ năm 2008. Luật này áp dụng với tất cả công ty đang hoạt động tại đây, kể cả doanh nghiệp nhà nước.
Xe không phải là lĩnh vực duy nhất bị điều tra. Trước đó, các hãng dược phẩm và sữa nước ngoài cũng từng là mục tiêu của chiến dịch này.
Giới chức Trung Quốc tháng trước cũng tuyên bố đang điều tra Microsoft. Nước này cho rằng đại gia phần mềm Mỹ không công bố đầy đủ thông tin liên quan đến hệ điều hành Windows và phần mềm văn phòng Microsoft Office.
Tháng 11 năm ngoái, hãng sản xuất chip số một thế giới - Qualcomm cũng bị điều tra tương tự. Việc này diễn ra đúng thời điểm họ chuẩn bị ra mắt dịch vụ 4G. Do đó, giới quan sát ngờ vực động thái này nhằm giúp các công ty Trung Quốc có lợi thế khi đàm phán giá với Qualcomm. Hãng sau đó cho biết cuộc điều tra đã khiến doanh thu năm 2013 của mình sụt giảm.
Hà Thu
Đăng ký: Bài đăng
0 nhận xét:
Đăng nhận xét