Doanh nghiệp IT Châu Á cắt giảm hàng chục ngàn lao động - Tuổi Trẻ
Lao động phổ thông sẽ là đối tượng đầu tiên bị cắt giảm - Ảnh: NLC |
Ở châu Á, Microsoft và Cisco Systems Inc. chủ yếu đặt nhà máy sản xuất tại Trung Quốc và Ấn Độ. Giới chuyên gia Trung Quốc đang kêu gọi các doanh nghiệp trên xem xét nghiêm túc vấn đề này nhằm ngăn chặn những bất ổn tiềm ẩn khi lượng lao động trong ngành này ở Trung Quốc đứng trước nguy cơ thất nghiệp.
Nguy cơ bất ổn
Chỉ trong khoảng thời gian 2011-2013, Cisco đã cắt giảm tổng cộng 12.000 nhân sự. Microsoft cũng vừa tuyên bố cắt giảm 18.000 lao động của tập đoàn này trên toàn cầu. Nếu việc cắt giảm được thực thi hoàn toàn thì chỉ trong vòng bốn năm qua đã có tổng cộng 36.000 nhân sự của hai tập đoàn It này bị mất việc. |
Cổng thông tin Chính phủ Trung Quốc hôm qua dẫn nguồn tin giấu tên trong lĩnh vực IT nước này cho biết khoảng 4.000 lao động đang có kế hoạch đàm phán với Microsoft để đòi bồi thường thỏa đáng. Phần lớn trong số này cũng đang lên kế hoạch tuần hành để đòi thêm trợ cấp thôi việc sau khi mất việc.
Trong khi đó, Cisco Systems Inc. cũng vừa công bố kế hoạch cắt giảm 6.000 nhân sự toàn cầu, tương đương 8% nguồn nhân lực của tập đoàn này, trong đó có nhiều lao động ở Trung Quốc.
Trương Chí Nho, một chuyên gia của Trung tâm dịch vụ tranh chấp lao động Xuân Phong ở Thâm Quyến, nhận định dù hầu hết công ty IT đều sẵn lòng bồi thường cho người lao động cao hơn luật Trung Quốc quy định, nhưng điều này không đồng nghĩa việc người lao động đã thấy thỏa đáng.
“Tranh chấp lao động liên quan đến các doanh nghiệp IT nước ngoài có khả năng sẽ tăng trong hai năm tới khi kinh tế Trung Quốc chững lại” - ông Trương nhận định.
Hơn 500 lao động tại nhà máy sản xuất linh kiện của Microsoft ở Bắc Kinh cũng đã ký tên kêu gọi đối thoại trực tiếp với giới quản lý liên quan đến việc cắt giảm nhân sự. Song Microsoft đã từ chối công bố chi tiết về những kế hoạch cắt giảm nhân sự.
Trước đó, Microsoft đã đề nghị trả thêm cho người lao động một tháng lương sau khi nghỉ việc - mức bồi thường cao hơn quy định của luật pháp Trung Quốc. Song người lao động Trung Quốc lại đang muốn Microsoft bồi thường nhiều hơn.
Tuy nhiên, ông Satya Nadella - giám đốc điều hành của Microsoft - khẳng định những nhân viên bị cắt giảm lần này sẽ được thông báo trong vòng năm tháng tới.
Đến cuối tháng 6-2015 họ sẽ nghỉ việc hoàn toàn. Tổng cộng chi phí cho đợt cắt giảm này, gồm cả tiền trợ cấp, vào khoảng 1,2-1,6 tỉ USD.
Cửa hẹp cho lao động phổ thông
Báo Bussiness Times cho biết Cisco đưa ra quyết định cắt giảm nhân sự tại thời điểm mà doanh nghiệp này đang chật vật xoay xở với tình hình kinh doanh èo uột ở các thị trường mới nổi.
Wall Street Journal dẫn lời ông John Chamber, chủ tịch kiêm tổng giám đốc điều hành của Cisco, khẳng định họ cắt giảm nhân sự để tái cấu trúc nguồn nhân lực theo hướng “chuyên môn”. Song giới chuyên gia cho rằng Cisco bị giảm thu nhập ròng 1% với năm 2013. Cổ phiếu của Cisco cũng đã giảm 1% sau khi có thông tin doanh thu ròng của tập đoàn này sụt giảm.
Hồi tháng 7-2014, Tập đoàn Microsoft tuyên bố cắt giảm 18.000 nhân sự, trong đó có khoảng 12.500 nhân viên tại Nokia mà Microsoft mua lại vào tháng 4-2014. Một trong những nguyên nhân mà giới chuyên gia dự đoán là do chi phí cho nhân công Trung Quốc ngày càng cao và Microsoft cũng đang muốn giữ vững biên độ lợi nhuận của mình.
Theo Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), tiền lương tháng bình quân của một lao động tại Bắc Kinh đang ở mức 466 USD, cao hơn 3,2 lần so với ở nơi khác.
Giới chuyên gia cho rằng các doanh nghiệp IT quốc tế đang có xu hướng tương tự Cisco là tìm kiếm và phát triển nhân lực theo hướng tập trung vào kỹ năng phát minh và sáng tạo, tức là họ cần người có chuyên môn.
Tổng giám đốc Chamber nhấn mạnh Cisco đang tập trung vào những khu vực như an ninh, trung tâm dữ liệu, phần mềm, công nghệ điện toán đám mây và Internet.
Thêm vào đó, do sự đột phá trong công nghệ robot và các nguồn nhân lực thuê ngoài mà các tập đoàn kỹ thuật đã mạnh tay cắt giảm nhân lực trong những năm qua.
Lương của những người còn lại tăng lên nhưng khoảng cách thu nhập của người lao động chân tay và giới chuyên môn lại càng lớn.
MỸ AN
Đăng ký: Bài đăng
0 nhận xét:
Đăng nhận xét