Cơ cấu lại thị trường xuất nhập khẩu - Nhân Dân
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ năm 2013 đạt kỷ lục hơn 263 tỷ USD, tương đương khoảng 150% GDP, đồng thời là năm thứ hai liên tiếp Việt Nam đạt thặng dư cán cân thương mại thay vì thâm hụt lớn trong nhiều năm trước đó. Vì vậy, thương mại đã đóng góp tích cực vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế cũng như ổn định kinh tế vĩ mô.
Những thành tựu thương mại vừa qua có nguyên nhân từ việc đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, nổi bật là: Việt Nam có quan hệ thương mại với hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, phù hợp chủ trương mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế và duy trì độ mở lớn của nền kinh tế dựa trên đẩy mạnh xuất khẩu. Bên cạnh đó, thị trường xuất khẩu đã định hướng lựa chọn được những thị trường mục tiêu và đều là những thị trường lớn, có triển vọng phát triển tốt với sáu thị trường lớn nhất lần lượt là EU, Mỹ, ASEAN, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc. Đến lượt mình, đây cũng lại chính là sáu thị trường nhập khẩu lớn nhất của nước ta, nhưng với thứ tự gần như đảo ngược hoàn toàn là Trung Quốc, ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU và Mỹ. Theo đó, toàn bộ thặng dư thương mại của Việt Nam với EU và Mỹ cũng không bù đắp được phần thâm hụt thương mại với Trung Quốc và Hàn Quốc. Ngoài ra, thị trường xuất nhập khẩu thời gian qua được mở rộng cả về quy mô theo chiều rộng và nâng cao chất lượng, hiệu quả theo chiều sâu, thúc đẩy tiến trình đa dạng hóa thị trường của Việt Nam thông qua các cam kết và đàm phán thương mại song phương cũng như đa phương.
Như vậy, có thể thấy, việc đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu của Việt Nam đã đạt được những tiến bộ vượt bậc trong những năm qua với việc phát triển mạnh quan hệ thương mại với những đối tác lớn hàng đầu trên thế giới, đồng thời coi trọng và tích cực thúc đẩy hoạt động thương mại với nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ có tiềm năng khác. Để phát huy hiệu quả và đạt giá trị lớn hơn nữa của thương mại nói chung, của đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu nói riêng, trong những năm tới, thị trường xuất nhập khẩu cần được tiếp tục cơ cấu lại theo hướng chủ yếu sau:
Thứ nhất, duy trì, củng cố và tăng cường quan hệ với các đối tác thương mại có tầm quan trọng chiến lược, đồng thời chuẩn bị sẵn các phương án thay thế để kịp thời đối phó khi tình huống bất ngờ xảy ra, kiểm soát tốt rủi ro.
Thứ hai, gắn cơ cấu lại thị trường xuất nhập khẩu với cơ cấu lại hàng hóa xuất nhập khẩu theo hướng tăng hàm lượng nội địa và giá trị gia tăng cho hàng xuất khẩu.
Thứ ba, tiếp tục duy trì cân bằng cán cân thương mại đồng thời khắc phục tình trạng mất cân bằng thương mại quá lớn với một số đối tác.
Thứ tư, gắn cơ cấu lại thị trường xuất nhập khẩu với cơ cấu lại thị trường trong nước trong mối quan hệ chặt chẽ giữa phát triển thị trường xuất khẩu và thị trường nhập khẩu với thị trường sản xuất và tiêu dùng trong nước.
Thứ năm, cơ cấu lại đối tác thương mại không thể tách rời cơ cấu lại đối tác đầu tư, đối tác vay nợ, hợp tác tài chính tín dụng vì giữa chúng có mối quan hệ mật thiết với nhau.
Rõ ràng, cơ cấu lại thị trường xuất nhập khẩu là yêu cầu cấp bách hiện nay và cần được thực hiện gắn với chương trình cơ cấu lại tổng thể nền kinh tế nước ta trong những năm tới.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét