WB: Việt Nam cần đẩy nhanh cải cách ngân hàng - VnEconomy
Trong ba lĩnh vực trọng tâm của tái cơ cấu, tái cơ cấu ngân hàng được cho là có nhiều chuyển biến tích cực, theo nhận xét của nhiều vị đại biểu tại kỳ họp Quốc hội vừa qua. Song, theo báo cáo của WB thì tốc độ tái cơ cấu lĩnh vực ngân hàng chậm hơn so với kỳ vọng.
Con số huy động vốn tính đến cuối tháng 10 tăng 12% so với cùng kỳ năm trước, theo WB, là đã phản ánh niềm tin của người dân vào khu vực ngân hàng. Nhưng mặt khác, diễn biến này cho thấy người gửi tiền ít có các lựa chọn đầu tư trong bối cảnh phục hồi ảm đảm của thị trường bất động sản và chứng khoán, WB nhìn nhận.
Liên quan đến xử lý nợ xấu, báo cáo cho rằng đây vẫn là vấn đề lớn, cho dù các cơ quan chức năng đã áp dụng phương pháp xử lý nợ “đa chiều”.
Một số con số được nêu tại báo cáo là vào tháng 9/2014, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước thông báo giá trị nợ xấu xử lý đạt 249 nghìn tỷ đồng so với con số 464 nghìn tỷ đồng tại thời điểm tháng 9/2012.
Và, kể từ khi thành lập vào tháng 7/2013 tới nay VAMC đã mua lại khối lượng nợ xấu đáng kể (khoảng 90 nghìn tỷ đồng hay xấp xỉ 4,2 tỷ USD).
Tuy nhiên, WB đánh giá VAMC vẫn chưa đưa ra được một chiến lược rõ ràng và khả thi để giải quyết số nợ xấu đã mua một cách hiệu quả. Mặt khác, nỗ lực của VAMC trong hoạt động xử lý nợ còn đang bị cản trở do thiếu khung pháp lý liên quan tới phá sản và sở hữu tài sản, nhằm bảo vệ VAMC và các ngân hàng thương mại tránh khỏi những kiện tụng pháp lý trong trường hợp gây ra tổn thất tiềm ẩn cho Nhà nước khi chưa thể thiết lập một cơ chế thị trường xử lý nợ xấu rõ ràng.
Câu hỏi về quy mô nợ xấu thực tế vẫn chưa được giải đáp triệt để, mặc dù Thông tư số 02 và 09 về phân loại và dự phòng tổn thất nợ vay ra đời là một bước đi đúng hướng, báo cáo nêu rõ.
Trong ba lĩnh vực trọng tâm của tái cơ cấu, tái cơ cấu ngân hàng được cho là có nhiều chuyển biến tích cực, theo nhận xét của nhiều vị đại biểu tại kỳ họp Quốc hội vừa qua. Song, theo báo cáo của WB thì tốc độ tái cơ cấu lĩnh vực ngân hàng chậm hơn so với kỳ vọng.
Mặc dù vẫn duy trì áp trần sở hữu nước ngoài ở mức 30% (theo cam kết của Việt Nam với WTO), Nghị định số 01 ban hành tháng 1/2014 cho phép mức sở hữu cao hơn trong những trường hợp đặc biệt theo phê duyệt của Thủ tướng.
Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu 6-7 thương vụ mua lại và sáp nhập (M&A) trong lĩnh vực ngân hàng trong năm 2014 và giảm 50% số lượng ngân hàng thương mại trong vòng 3 năm tới, song trong năm nay vẫn chưa có thương vụ M&A mới nào, báo cáo viết tiếp.
Phân tích tại phần này cũng chỉ ra một tín hiệu tốt là không có thương vụ M&A nào trong quá khứ được báo cáo là tạo ra sự xáo trộn lớn tới hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng và điều này tạo ra niềm tin vào hệ thống.
Và một trong những ưu tiên của Quyết định 51/2014/QĐ-TTg ngày 15/9/2014 quy định một số nội dung về thoái vốn, bán cổ phần và đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán của doanh nghiệp nhà nước là tạo ra nhiều phương án lựa chọn cho các doanh nghiệp nhà nước thoái vốn khỏi lĩnh vực ngân hàng.
Vấn đề lớn tiếp theo được báo cáo đề cập, là tính công khai và minh bạch của hệ thống đã được cải thiện song vẫn chưa ngang bằng so với các quốc gia khác trong khu vực.
Theo WB thì Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã bày tỏ ý định tạo ra bước tiến trong vấn đề này, khi xem xét điều chỉnh Thông tư số 35 về tiết lộ dữ liệu của Ngân hàng Nhà nước.
Ngoài ra, để hiểu rõ hơn về hiệu quả hoạt động của các ngân hàng thương mại, vào đầu năm nay cơ quan giám sát ngân hàng đã bắt đầu tiến hành một đợt kiểm toán đặc biệt về hiệu quả hoạt động danh mục và cơ cấu sở hữu của các ngân hàng thương mại.
Tuy nhiên, đợt kiểm toán này vẫn dựa trên hệ thống phân loại nợ sẽ được thay thế (Quyết định số 493) và các chuẩn mực trong nước không thể cung cấp dữ liệu đầy đủ, đáng tin cậy để có thể so sánh hiệu quả hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng với các quốc gia khác trong khu vực, WB đánh giá.
Đăng ký: Bài đăng
0 nhận xét:
Đăng nhận xét