“Khi đầu tư chứng khoán, đừng nghe theo tất cả các chuyên gia”
NĐT nên tìm đến những chuyên gia bám sát thị trường, làm việc ở công ty uy tín, có bộ phận phân tích đầu tư chất lượng. Cũng chọn thời điểm mà mình “theo đuôi”, chứ không phải nghe theo tất cả chuyên gia
Còn nhớ trong thời gian trước, khi tình hình thị trường chứng khoán không có gì sáng sủa và kết quả kinh doanh của các Công ty chứng khoán cũng vô cùng ảm đạm thì một trong những giải pháp đầu tiên là cắt giảm những bộ phận “không tạo ra doanh thu”. Đó là bộ phận Nghiên cứu phân tích, tư vấn đầu tư.
Tuy nhiên, khi thị trường khởi sắc trở lại và các Công ty chứng khoán có ý thức hơn về chiến lược đầu tư chiều sâu thì chúng ta lại thấy sự tuyển dụng sôi động ở những bộ phận này. Nhân dịp Tết Giáp Ngọ, chúng tôi có cuộc trò chuyện với ông Lê Đức Khánh – Giám đốc Chiến lược Đầu tư, phòng Nghiên cứu của CTCK Maritimebank và nghe ông chia sẻ về công việc của mình.
Thưa ông, ông có thể chia sẻ với bạn đọc về công việc của một Giám đốc chiến lược đầu tư tại một công ty chứng khoán không?
Ông Lê Đức Khánh: Hiện nay, công việc của tôi về mảng cổ phiếu thì gồm có định giá cổ phiếu, báo cáo phân tích công ty, báo cáo ngành, danh mục cổ phiếu ký quỹ, các bản đánh giá cổ phiếu và báo cáo nhanh về nhóm ngành. Ngoài ra là các việc như trả lời phỏng vấn báo đài, viết bài cho báo và các cổ phiếu tiêu điểm dành riêng cho môi giới, cổ phiếu tư vấn đầu tư cho khách hàng cá nhân rồi… tổ chức các buổi hội thảo.
Một sản phẩm mà tôi được đánh giá cao trong năm vừa qua là báo cáo “Cổ phiếu tiêu điểm”, khi những cổ phiếu chúng tôi khuyến nghị hầu hết là những cổ phiếu tăng giá tốt nhất thị trường. Nhưng cũng vì vậy mà năm tới, tôi thấy áp lực khi phải làm sao để tiếp tục chọn lựa được những cổ phiếu tốt để khuyến nghị đầu tư cho khách hàng.
Đứng “top” là khó rồi nhưng việc duy trì vị trí trong “top” còn khó hơn.
Cá nhân tôi thì thích những công việc liên quan đến truyền tải kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm với mọi người mà đặc biệt là các em sinh viên. Tôi cũng đi dạy học, nói chuyện chuyên đề hoặc là đào tạo những môn như phân tích cơ bản cổ phiếu. Tôi thấy những công việc ấy rất thú vị.
Viết bài cho báo cũng là một đam mê khác của tôi. Tôi thường viết những bài về đầu tư chứng khoán, làm thế nào để “chiến thắng thị trường chứng khoán”…
Có một câu chuyện vui mà các nhà đầu tư hay nói, là “muốn đầu tư tốt, đừng nghe lời các chuyên viên phân tích, tư vấn đầu tư”. Ông nghĩ sao về câu chuyện này?
Thực ra thì trong việc tư vấn đầu tư, 10 chuyên viên phân tích có thể có 10 ý tưởng khác nhau. Kiến thức, kinh nghiệm của mỗi người là khác nhau, mục đích đầu tư cổ phiếu, thời gian nắm giữ cổ phiếu là khác nhau. Những người đã thành công hoặc những chuyên gia kinh nghiệm nhất mới có phong cách đầu tư bài bản và chuyên nghiệp.
Một chuyên viên phân tích có thể rất giỏi về một mảng nào đó như vĩ mô, phân tích cơ bản … nhưng lại không biết phân tích kỹ thuật để chọn thời điểm ra – vào nên kết quả đầu tư không được như ý.
Nhân đây tôi cũng kể một câu chuyện vui. Năm ngoái, khi tiến sỹ Lê Thẩm Dương có một buổi Hội thảo với chúng tôi, một khán giả đã hỏi: “thời điểm này nên đầu tư vào cổ phiếu nào” thì tiến sỹ có trả lời là: “Nếu mà biết đầu tư vào cổ phiếu nào có lãi thì tôi đã không ngồi đây.”
Vì vậy, nhà đầu tư nên tìm đến những chuyên gia bám sát thị trường, làm việc ở những công ty uy tín, có bộ phận phân tích đầu tư chất lượng. Cũng chọn thời điểm mà mình… “theo đuôi” thôi, chứ không phải nghe theo tất cả các chuyên gia, để dẫn tới việc bị nhiễu thông tin.
Vậy theo ông thì một chuyên viên phân tích, tư vấn đầu tư tốt cần tố chất gì?
Tôi nghĩ rằng một chuyên viên phân tích tốt phải giỏi cả phân tích cơ bản và phân tích kỹ thuật. Vì đầu tiên là chúng ta phải tìm ra được những cổ phiếu có cơ bản tốt rồi sau đó phân tích kỹ thuật sẽ giúp chúng ta xác định được điểm mua, điểm bán.
Thứ hai là phải có kinh nghiệm, phải từng trải trên Thị trường chứng khoán. Họ phải có số năm kinh nghiệm tương ứng, mà theo tôi đánh giá là phải 5 năm trở lên. Tôi nghĩ là 2, 3 năm thì chưa đủ để khẳng định tên tuổi.
Ông có thể chia sẻ một kỷ niệm vui trong “sự nghiệp chứng khoán” của mình không?
Đó là năm đầu tiên, khi tôi vào Chứng khoán MBS (trước là Chứng khoán Thăng Long). Vào đầu năm 2009, Công ty cho nhân viên mua 2000 cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Tổng số tiền là 20 triệu, nhưng mà lại còn được mua nợ, tức là chỉ phải trả 4 triệu thôi, còn lại trả dần. Đến khoảng tháng 9, tháng 10/2009, có đội hỏi mua 2000 cổ phiếu của tôi với giá 40.000 đồng/cổ phiếu. Tôi bán luôn.
Sau lần bán ấy, tôi thấy rằng quả là “không có buôn bán gì cho lại”. Tôi quyết định chứng khoán sẽ là nghề của tôi trong những năm sắp tới và tôi đã gắn bó với nó đến bây giờ.
Nhưng cũng chính năm 2009, tôi có một kỷ niệm đau thương. Hồi đấy tôi chưa đầu tư chứng khoán đâu, mới bắt đầu giải ngân 100 triệu vào ngày 22/10/2009 – đúng đỉnh. Thế là sau 2 tuần, tôi mất 40 triệu. Tôi rất đau khổ vì không hiểu sao mất tiền nhanh đến thế. Đôi lúc cũng nghĩ là “thị trường chứng khoán là lừa đảo” này nọ nhưng sau này, khi đi sâu đầu tư, tìm hiểu phân tích thì tôi rút ra kinh nghiệm. Thị trường chứng khoán 75% là tâm lý, 25% là đầu tư tài chính. Nếu mình kiểm soát được tâm lý, đầu tư có kỷ luật thì sẽ thành công.
Xin cảm ơn ông và chúc ông một năm mới thành công.
Hải Minh
Theo Trí Thức Trẻ
Đăng ký: Bài đăng
0 nhận xét:
Đăng nhận xét