Doanh nghiệp sẽ không cần con dấu? - Tiền Phong Online
TP - Câu chuyện về duy trì hay không quy định buộc doanh nghiệp (DN) phải có con dấu đang gây nhiều tranh cãi. Thậm chí, ngay trong Dự thảo Luật DN (sửa đổi), các quy định cũng ngược nhau.
Nhiều chuyên gia đề nghị bỏ quy định sử dụng con dấu trong hoạt động doanh nghiệp. Ảnh: Ngọc Châu
Dấu là ngọc tỷ
Tại Hội thảo về con dấu của DN Việt Nam (sáng 9/10), luật gia Cao Bá Khoát (Cty TNHH Tư vấn DN K và Cộng sự - KAC) kể, cách đây ít năm, một DN tại Hà Tây (cũ) mời DN thép của Nhật Bản tham gia liên doanh sản xuất tại Việt Nam.
Khi sang Việt Nam, họ bất ngờ vì con dấu đều như nhau về kích thước, màu mực, chỉ khác thông tin DN, trong khi con dấu của DN Nhật chỉ bằng ngón tay, hình thù loằng ngoằng, phức tạp.
Khi làm thủ tục thành lập liên doanh, cơ quan công an Việt Nam yêu cầu DN Nhật phải có xác nhận của chính quyền nước bạn về con dấu “kỳ lạ” đó mới đồng ý cấp con dấu cho liên doanh.
DN Nhật cho rằng, vấn đề đơn giản con dấu Việt Nam phức tạp như vậy, những việc phát sinh sau này sẽ giải quyết ra sao? Do đó, họ không hợp tác với DN Việt Nam nữa.
Luật sư Trương Thanh Đức (Cty Luật Basico) cho rằng, quy định pháp lý hiện nay dẫn tới DN phải coi con dấu là thứ như ngọc tỷ của vua, không có dấu DN phải dừng mọi hoạt động. Điều đó khiến DN đối mặt nhiều rủi ro pháp lý, vì “giờ làm giả dấu nhanh lắm, mất 200 nghìn đồng là có ngay”.
Vị chuyên gia luật này đồng tình với việc bỏ quy định con dấu là bắt buộc với hoạt động DN trong Dự thảo Luật DN (sửa đổi). Thay vào đó, cho DN quyền tự quyết trong việc sử dụng con dấu hoặc không. Theo ông Khoát, khó khăn hiện nay nằm ở tư duy, không phải hành động.
Ông Jean Michel Lobet (chuyên gia cao cấp Ngân hàng Thế giới) cho biết, trong số 189 quốc gia khảo sát, có 79 quốc gia quy định bắt buộc sử dụng con dấu trong hoạt động DN. Những nước phát minh ra con dấu là Anh và Pháp đã bỏ quy định này.
“Ngày nay, nhiều nền kinh tế cho phép sử dụng chữ ký điện tử hoặc chữ ký số. Việc sử dụng con dấu đã lỗi thời, nhiều quốc gia đang tìm cách loại bỏ. Thực tế, những quốc gia có thu nhập thấp nhất lại dùng con dấu nhiều nhất, còn những quốc gia phát triển nhất đều đã bỏ quy định này”, ông Lobet nói.
Dự thảo Luật DN (sửa đổi) đã bỏ quy định bắt buộc DN thành lập và hoạt động phải có con dấu. Thay vào đó, cho phép DN tự chủ trong hình thức và nội dung con dấu (chỉ cần đăng ký với cơ quan quản lý kinh doanh).
Tuy vậy, trong cùng luật này lại có những quy định khác “trói chân” DN, bắt buộc họ phải dùng con dấu, như: Khi đăng ký thành lập, DN phải có mẫu con dấu; phần về con dấu của DN quy định “con dấu là tài sản của DN”; quy định giấy chứng nhận cổ đông, biên bản họp đại hội cổ đông phải có dấu mới có hiệu lực… Ngoài ra, còn nhiều luật khác liên quan hoạt động DN vẫn quy định văn bản phải có dấu mới có hiệu lực.
Nên bỏ con dấu theo lộ trình
Tại cuộc họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, khi báo cáo tiếp thu, chỉnh lý, giải trình dự án Luật DN (sửa đổi) cách đây ít ngày, quy định về con dấu DN cũng nhận nhiều ý kiến trái ngược.
Một số đại biểu cho rằng, điều này là cần thiết để hội nhập và nhiều nước đã thực hiện. Tuy nhiên, vẫn không ít đại biểu cho rằng, điều kiện Việt Nam chưa phù hợp, thói quen chưa thay đổi, nên cần giữ lại quy định này.
TS Nguyễn Đình Cung (Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) cho biết, việc thay đổi quy định về con dấu là chủ trương của Chính phủ để cải thiện môi trường kinh doanh. Do đó, dự thảo Luật DN (sửa đổi) đã trao quyền tự chủ về khắc dấu, hình thức, chữ, màu chữ… về cho DN tự thực hiện. Với những quy định “ngược” điều này, ông Cung cho biết, phải chỉnh sửa cho phù hợp.
Ông cho rằng, nếu thay đổi được quy định về con dấu, môi trường kinh doanh Việt Nam sẽ được cải thiện rất nhiều. Theo ông, hiện nay, để thành lập DN tại Việt Nam, mất 34 ngày, riêng thủ tục và chờ đợi được khắc dấu mất 6 ngày, với chi phí 165-370 nghìn đồng.
“Đây là rào cản không nhỏ để DN gia nhập thị trường. Do đó, không ít người duy trì kinh doanh hộ gia đình thay vì thành lập công ty và nhà nước thất thu thuế”, ông Lobet nói.
Theo ông Cung, trước mắt, dự luật cho phép DN được quyền lựa chọn dùng con dấu hoặc không, sau đó mới tiến tới bỏ hoàn toàn. Trong quá trình hoạt động, DN cũng không phải thay đổi, làm lại con dấu nếu thay tên, đổi địa chỉ; mỗi DN có thể có 4-5 con dấu (không phải 1 như hiện nay), đảm bảo vẫn hoạt động nếu mất dấu, bị chiếm dụng dấu… Thay cho con dấu, DN có thể chỉ cần chữ ký người đứng đầu, chữ ký điện tử, các ký hiệu riêng…
Đăng ký: Bài đăng
0 nhận xét:
Đăng nhận xét