Đại sứ doanh nghiệp - Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online
Đại sứ doanh nghiệp
Lê Hữu Huy (*)
Cựu Thủ tướng Singapore Goh Chok Tong nhận món quà là chiếc áo sơ mi của thương hiệu DON. Ảnh: Vietnam+ |
(TBKTSG) - Sự kiện cựu thủ tướng nay là Bộ trưởng cao cấp danh dự Goh Chok Tong đến dự lễ khai trương phòng trưng bày nhãn hàng thời trang Don Singapore tại Hà Nội nhân chuyến viếng thăm Việt Nam bốn ngày hồi tuần rồi có thể không “hoành tráng” so với những lúc ông đến chứng kiến lễ ký kết của những tên tuổi lớn như tập đoàn Sembcorp và Ascendas.
Thật vậy, ở Singapore, đây chỉ là một doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) chuyên sản xuất gia công quần áo và các sản phẩm may mặc xuất khẩu vào thị trường Mỹ và EU với nhãn hiệu ít được người Singapore biết tới.
Vậy thì SME này có “quan hệ” đặc biệt gì với Chính phủ Singapore hay cá nhân cựu Thủ tướng Goh để được quan tâm ưu ái và “pi-a” (PR) đến thế?
Theo nhật báo The Straits Times, Bộ trưởng cao cấp danh dự Goh Chok Tong có mặt ở buổi lễ nói trên là để thể hiện sự ủng hộ của ông với các SME của Singapore đang mở rộng kinh doanh ở nước ngoài. Tại Việt Nam, hiện có khoảng 500 SME Singapore hoạt động không chỉ về bất động sản hay khách sạn mà còn cả ngành in ấn, may mặc, phụ tùng xe máy, gốm sứ, thực phẩm chế biến... Cùng đến Việt Nam với ông Goh còn có hai bộ trưởng quốc vụ khanh ở độ tuổi trạc ngoại tứ tuần là Teo Ser Luck (46 tuổi) đặc trách công thương và Lam Pin Min (45 tuổi) lo về y tế. Nhưng để chuyến đi có vẻ như tiền hô hậu ủng này thành công phải kể đến vai trò tiền trạm của các cơ quan đại diện Singapore ở Việt Nam như Đại sứ quán, Thương vụ và Cục Phát triển Doanh nghiệp ở nước ngoài, gọi tắt là IE Singapore.
Tuy nhiên, chỉ đề cao vai trò của bộ ba nói trên sẽ không công bằng với rất nhiều quan chức cao cấp thậm chí thường thường bậc trung trong bộ máy nhà nước Singapore. Bởi vì ngoài chức năng nhiệm vụ cụ thể của bộ ngành, hầu như viên chức nhà nước nào cũng tham gia trực tiếp hay gián tiếp vào việc cổ động cho quyền lợi kinh tế và doanh nghiệp Singapore ở trong và ngoài nước. Trong các chuyến công tác của họ ở nước ngoài dù dài hay ngắn đều có chương trình gặp gỡ công dân Singapore đang sinh sống và làm việc ở hải ngoại. Họ không ngại ngần đến dự lễ khai trương, động thổ hay bất cứ sự kiện gì có thể tôn vinh hình ảnh của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp phát triển kinh doanh thành công nơi đất khách quê người.
Trong hồi ký mang tên Kinh nghiệm ngoại giao Singapore xuất bản cách đây không lâu, cựu Bộ trưởng ngoại giao Singapore, ông S Jayakumar, chia sẻ cách tiếp cận “Whole-of-Government” (tạm dịch là “chính phủ tổng lực”) của Chính phủ Singapore. Theo đó các bộ ngành trong guồng máy quản lý nhà nước phải hợp tác chặt chẽ với nhau chứ không để xảy ra chuyện hồn ai nấy giữ như ở nhiều nước khác trên thế giới. Với Bộ Ngoại giao Singapore (MFA), ông nhấn mạnh: “Cho dù như thế nào đi chăng nữa, tất cả nhân viên MFA đều phải nhận thức được rằng một phần không thể tách rời trong sứ mệnh của mình là thúc đẩy quyền lợi về kinh tế, thương mại và đầu tư của Singapore. Đây không thể chỉ được xem là công việc riêng của Bộ Công Thương hay các cơ quan phụ trách về kinh tế khác”.
Theo ông Jayakumar, một nhà ngoại giao giỏi phải kịp thời nắm bắt những diễn biến kinh tế quốc tế, hiểu rõ chiến lược kinh tế của các cơ quan phụ trách đầu tư và thương mại của chính phủ. Bởi lẽ, muốn giải quyết thành công các vấn đề kinh tế đối ngoại, không thể chỉ dựa vào ngoại giao mà còn cần có sự phối hợp liên bộ ngành của nhiều cơ quan chức năng trong guồng máy nhà nước.
Trở lại chuyến viếng thăm Việt Nam tuần rồi của ông Goh, tôi không rõ cơ chế hợp tác của Chính phủ Singapore với một quan chức tầm cỡ cựu thủ tướng hay cựu bộ trưởng như thế nào. Nhưng với kinh nghiệm làm việc của bản thân với bộ máy công quyền và tổ chức doanh nghiệp tại Singapore, được biết việc tìm và sử dụng những “đại sứ doanh nghiệp” để duy trì, phát triển và mở rộng quan hệ hợp tác với các nước cũng đơn giản dựa trên những nguyên tắc hợp đồng, sử dụng đúng người đúng việc và tận dụng các quan hệ cá nhân lẫn nghề nghiệp.
Theo quan sát của tôi trong thực tiễn làm việc ở Singapore và các nước, “đại sứ doanh nghiệp” có thể xuất hiện muôn hình muôn vẻ với những tên gọi khác nhau như đại diện thương mại, nhà tư vấn, nhà môi giới, mà ngôn ngữ bình dân có thể gọi là “cò”. Và trong lúc chờ đợi những cánh “cò” doanh nghiệp của Việt Nam tỏa đi khắp muôn nơi, có lẽ ưu tiên hàng đầu mà các quan chức của ta nên làm khi đi ra nước ngoài, sau những cuộc gặp mang tính xã giao và những ngôn từ ngoại giao hoa mỹ, là tìm đến các doanh nghiệp Việt Nam không phân biệt quốc doanh hay tư nhân đang bám trụ nơi xứ người. Lúc đầu không cần nhiều lắm đâu, một cái bắt tay, một cái vỗ vai, một lời thăm hỏi, một vài chia sẻ về thông tin cũng có thể khởi đầu cho một vòng tay lớn của doanh nghiệp Việt trên khắp năm châu bốn biển.
(*) Giám đốc Công ty Tư vấn - Vietnam Global Network, Singapore
Đăng ký: Bài đăng
0 nhận xét:
Đăng nhận xét