Khó "quản" thị trường mắt kính? - Nhân Dân
Vừa bảo vệ mắt, vừa giúp những người bị các tật về mắt thuận lợi hơn trong sinh hoạt lại còn là đồ trang sức, sản phẩm thời trang, nhu cầu sử dụng mắt kính của khách hàng ngày càng tăng. Tuy nhiên, thị trường mắt kính hiện đang đầy hàng "dỏm", hàng nhái, chất lượng không bảo đảm, giá cả bị thổi phồng cả chục lần.
"Vàng, thau" lẫn lộn
Theo báo cáo khoa học của giới y khoa và thống kê hằng năm của Bệnh viện Mắt TP Hồ Chí Minh, trên địa bàn thành phố hiện có khoảng 20% số người dân mắc các tật về khúc xạ như cận thị, viễn thị, loạn thị... Bên cạnh đó, nhu cầu làm đẹp khi ra phố, thể hiện cá tính của giới trẻ cũng thúc đẩy sự phát triển và tiêu thụ dòng sản phẩm mắt kính thời trang. Theo Công ty cổ phần Mắt kính Sài Gòn, nhu cầu tiêu thụ mắt kính, đặc biệt là các loại kính mát, trong thời gian gần đây đã tăng gấp từ ba đến bốn lần, nhất là loại mắt kính có giá trung bình từ 300 nghìn đồng trở xuống chiếm từ 50% đến 60% lượng kính bán ra.
Ðể đáp ứng nhu cầu của thị trường, thời gian gần đây, hàng loạt các cửa hàng mắt kính mọc ra liên tục trên các đường phố lớn và phần lớn đều nằm ở các vị trí đắc địa tại các ngã tư, ngã ba của các trục đường, khu vực quanh các chợ truyền thống... Có thể nói, chưa bao giờ thị trường kinh doanh mắt kính lại thu hút nhiều người vào cuộc như hiện nay. Một lý do nữa mà nhiều cửa hàng kinh doanh mắt kính phát triển mạnh là vì lợi nhuận cao. Theo các nhà chuyên môn, kinh doanh mắt kính hiện nay có thể gọi là "một vốn hàng chục lời", tùy theo vị trí cửa hàng và biết cách chọn "đầu vào". Theo kết quả khảo sát của các cơ quan chức năng, hiện gần 90% số mắt kính được bày bán trên thị trường là hàng nhái, hàng giả, phần lớn có xuất xứ từ nước ngoài hoặc hàng giá rẻ được sản xuất trên địa bàn. Theo Giám đốc Công ty cổ phần Mắt kính Sài Gòn Lâm Kim Khoa, mắt kính cung cấp cho thị trường hiện nay xuất phát từ rất nhiều nguồn, hàng nhập chính thức, hàng trôi nổi, hàng không rõ xuất xứ, hàng xách tay và hàng nhập (loại hai, loại ba) của các hãng kính danh tiếng. Những nguồn cung cấp mắt kính đáng kể cho thị trường hiện nay nằm ở một vài cửa hiệu trên đường Lê Thánh Tôn (quận 1), nhưng nhiều nhất là ở chợ Kim Biên (quận 5). Tại khu vực chợ Kim Biên có vài chục sạp chuyên bán sỉ các loại mắt kính cho các cửa hiệu trong thành phố và cung cấp cả cho các tỉnh. Nhiều người bán hàng ở đây cho biết, có thể cung cấp với số lượng không hạn chế bất cứ mẫu mã kính nào mà thị trường đang có, với giá thấp nhất chỉ vài chục nghìn đồng/cái và cao nhất khoảng 200 nghìn đồng/cái, tùy loại và chất lượng. Một chiếc kính đặt hàng ở đây có giá chừng 50 nghìn đến 60 nghìn đồng nhưng khi vào một cửa hiệu thì trở thành hàng đắt tiền, hàng hiệu được bán với giá từ 400 nghìn đồng đến 500 nghìn đồng/cái.
Loay hoay tìm hướng quản lý
Theo các nhà phân phối, kính "hàng hiệu", kính nhái "hàng hiệu" xuất hiện tràn lan trong các cửa hàng nên người tiêu dùng sẽ nhầm lẫn với hàng thật. Một số hàng nhái này cũng có dán tem nhưng không xác định được tem thật hay tem giả. Hơn nữa, hiện trong không ít những cửa hiệu không thuộc hệ thống phân phối các thương hiệu lớn lại mượn thương hiệu của họ để bày bán hàng không rõ nguốn gốc và dĩ nhiên là hàng trôi nổi. Thương hiệu "Mắt kính Sài Gòn" hiện chỉ có ba cửa hiệu tại thành phố, nhưng trên thực tế hiện có hơn 30 cửa hiệu trương bảng hiệu "Mắt kính Sài Gòn"! Trong khi đó, tâm lý người tiêu dùng lại thích mua kính tại các cửa hàng lớn vì cho rằng sẽ mua được hàng chính hãng, đúng giá, nhưng thực ra phần lớn là hàng nhái. Bên cạnh đó, tem chống hàng giả cũng bị làm giả nên không có cách gì bảo đảm có thể mua được hàng thật, kể cả trong các cửa hàng ở các trung tâm thương mại lớn. Vì nếu đúng là hàng hiệu thì giá rất cao, từ vài triệu đến cả chục triệu đồng/cái. Chỉ có người "trong nghề" mới có thể nhận ra đâu là kính chất lượng tốt, đâu là sản phẩm kém; còn người tiêu dùng bình thường khó mà phân biệt được...
Chi cục Quản lý thị trường thành phố cũng đã không ít lần kiểm tra và thu giữ hàng chục nghìn mắt kính giả. Thực tế cho thấy, khi kiểm tra, gần như cửa hàng mắt kính nào cũng "có vấn đề". Song việc kiểm tra, xử lý mặt hàng mắt kính gặp nhiều khó khăn do rất ít có đơn khiếu nại về hàng giả, hàng nhái. Chi cục cũng chưa nhận được thông tin của các nhãn hiệu mắt kính nổi tiếng trên thế giới về việc đã đăng ký bảo hộ sở hữu độc quyền tại Việt Nam, nên khi kiểm tra không có bên nào đứng ra giám định xem hàng có bị làm giả hay không. Bên cạnh đó, chi phí giám định lại khá cao và khi đưa đi giám định thì lực lượng thực thi phải tạm ứng kinh phí, sau đó mới thu hồi lại từ đơn vị kinh doanh hàng giả, hàng nhái. Thực tế, việc thu hồi khoản tiền này là không dễ. Với người tiêu dùng, Hội Bảo vệ Người tiêu dùng thành phố cho biết, muốn khiếu nại, người tiêu dùng phải chứng minh những thiệt hại do dùng sản phẩm gây ra. Nhưng theo các chuyên gia trong ngành, đối với mắt kính, khó mà chứng minh được thiệt hại! Như vậy, phải chăng người tiêu dùng và cả cơ quan chức năng đang "bó tay" với mắt kính nhái, mắt kính dỏm... trên thị trường?
0 nhận xét:
Đăng nhận xét