Thị trường đồ chơi trẻ em vắng khách sau tin có nhiễm độc - Đài Tiếng Nói Việt Nam
Tại thành phố Hồ Chí Minh, trước thông tin nhiều mặt hàng đồ chơi trẻ em có nhiễm độc phthalate, có thể gây ảnh hưởng đến sự phát triển trí não và hành vi của trẻ, nhiều ông bố, bà mẹ đã có sự cân nhắc kĩ lưỡng hơn khi mua đồ chơi cho con. Điều này khiến thị trường đồ chơi trẻ em có phần lắng xuống.
Như nhiều chúng bạn cùng trang lứa, Trần Kim Việt Toàn, học sinh lớp 5A1 trường tiểu học Nguyễn Viết Xuân, quận 5, thành phố Hồ Chí Minh rất thích những bộ đồ chơi như: siêu nhân, robot, lego. Phòng của Việt Toàn đầy ắp các loại đồ chơi này, đều là quà tặng của bố mẹ mỗi khi Toàn đạt điểm tốt. Bố mẹ Toàn cũng đã cẩn thận khi chọn đồ chơi không có tình bạo lực và có tem kiểm định chất lượng rõ ràng.
Nhiều loại đồ chơi màu sắc sặc sỡ thường chứa nhiều loại hoá chất có thể gây nguy hại cho trẻ nhỏ (Ảnh: PLOL) |
Em Trần Kim Việt Toàn cho biết: “Coi phim em thấy có máy bay, em ráp máy bay vào bộ LEGO đó. Có mấy con robot, cũng từ Trung Quốc sản xuất ra, nhưng bố không cho mua. Tại bố nói là độc hại nên không cho mua”.
Theo khảo sát của phóng viên VOV, những ngày gần đây, sức mua tại các cửa hàng đồ chơi trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đã giảm. Vài cửa hàng còn treo biển giảm giá 30% hoặc bán với giá thanh lý nhưng vẫn vắng khách. Nguyên nhân là do trên thực tế, đồ chơi trẻ em hiện nay phần lớn là hàng nhập về từ Trung Quốc, không có nhãn hàng hóa hoặc vi phạm về nhãn mác. Do đó, người tiêu dùng khó mà biết được hàng nào không độc hại và đành ngưng mua đồ chơi cho con để đảm bảo an toàn.
Chị Võ Việt Trinh, quản lý cửa hàng đồ chơi Funny land ở quận 1 cho biết: “Phụ huynh chắc chắn sợ hàng Trung Quốc, nên mua hàng ở những chỗ uy tín, những nhà cung cấp uy tín. Không nên ham những mặt hàng giá rẻ và chơi những đồ chơi phù hợp lứa tuổi của bé, không nên thấy giá rẻ thì mua”.
Điều đáng nói là, đồ chơi nhập từ các nước châu Âu thì đắt đỏ, ngoài khả năng của số đông phụ huynh. Cho nên, trên thị trường chủ yếu vẫn là đồ chơi Trung Quốc, còn đồ chơi xuất xứ Việt Nam rất khó tìm, nhất là những nhãn hiệu đồ chơi có uy tín.
Là người thường mua búp bê cho con gái nhỏ, Anh Phạm Văn Lâm, ở quận Bình Thạnh, cho biết: “Đồ chơi Việt Nam ít quá, mà hàng Trung Quốc nhiều. Không mua các hàng kiểu như của Trung Quốc thì biết mua ở đâu. Tôi không biết nhiều lắm đến xuất xứ của mấy con búp bê, hàng Trung Quốc trôi nổi trên thị trường rất nhiều làm tôi cũng e ngại. Mấy lần cháu nó đòi mua nên đành mua cho cháu”.
Rõ ràng, doanh nghiệp trong nước hoàn toàn có khả năng sản xuất đồ chơi an toàn, đạt chuẩn quy định. Thị trường đồ chơi rất cần sự quan tâm, đầu tư sản xuất của các doanh nghiệp. Và để sản phẩm có đủ sức cạnh tranh, ngoài sự nỗ lực của doanh nghiệp thì các ngành chức năng phải kiên quyết chống hàng nhập lậu. Như vậy, mới có thể kiểm soát được hàm lượng những hóa chất gây độc trong đồ chơi trẻ em./.
Ngọc Luân/VOV- TP HCM
0 nhận xét:
Đăng nhận xét