Lãi lớn cũng khổ
Năm 2013 có thể xem là một năm thành công đối với nhiều quỹ đầu tư khi giá trị tài sản đã tăng vài chục phần trăm.
Cứ nhìn vào nhóm blue chip như VNM, REE, HPG… thường được các quỹ nắm giữ, tăng giá mạnh như thế nào cũng có thể mường tượng được các nhà quản lý quỹ vui mừng ra sao. Cũng nhờ vậy mà các công ty quản lý quỹ đã huy động được thêm vốn, các quỹ có sẵn cũng có thể gia tăng được dòng tiền.
Nhưng bên cạnh sự phấn khởi, cũng có những áp lực rất nặng nề đặt lên vai các nhà quản lý quỹ. Trước tiên là áp lực lợi nhuận, mặc dù xu hướng của TTCK tốt dần trong vài năm qua, nhưng việc có thể nắm bắt những cơ hội của thị trường chưa bao giờ đơn giản. Cụ thể, diễn biến của CP mỗi năm mỗi khác, mỗi đợt sóng sẽ có đặc điểm khác nhau. Chưa kể, khi dòng tiền gia tăng thì mức độ “giành giật” cơ hội sẽ khốc liệt hơn.
Nhiều CP chỉ cần tăng trần khoảng 2 phiên là bên bán đã liên tục xả hàng, nay càng có nhiều dòng tiền, tỷ suất sinh lời có thể thu hẹp hơn nữa. Chưa kể nếu hàng hóa không kịp gia tăng, dòng tiền cũng chỉ biết xoay vòng xung quanh những CP sẵn có và khi giá tăng đến một mức nhất định sẽ phải dừng lại và tích lũy.
Áp lực kế tiếp nằm ở việc giải ngân. Với các quỹ huy động được tiền trong lúc này đã là điều đáng mừng, nhưng giải ngân thế nào lại khó gấp bội. Thông thường, mong muốn của NĐT khi bỏ tiền vào quỹ là thấy được đồng tiền đó đi vào thị trường và sinh lợi.
Các quỹ cũng đề ra những quy định khắt khe để hạn chế lượng tiền mặt trong quỹ. Tuy nhiên, thị trường có lúc tăng lúc giảm, nếu vì chịu áp lực phải giải ngân mà dẫn đến việc mua vào ngay lúc thị trường giảm thì thiệt hại sẽ vô cùng lớn.
Đối với các quỹ mở, có thể NĐT sẽ lập tức rút tiền về, chưa kể uy tín của các nhà quản lý quỹ cũng ảnh hưởng. Áp lực cuối cùng chính là thành tích hoành tráng của năm 2013, chí ít các nhà quản lý quỹ sẽ phải làm sao để có một tỷ suất sinh lời “coi được” trong năm 2014 này. Vậy nên mới nói, lãi lớn cũng khổ!
Theo Thanh Ngọc
Sài Gòn đầu tư
Đăng ký: Bài đăng
0 nhận xét:
Đăng nhận xét