Tranh cãi về đóng góp của doanh nghiệp FDI - VNExpress
Nhiều chuyên gia cho rằng khu vực FDI hiện chưa tạo được sức lan tỏa, đóng góp thấp cho thu ngân sách. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Bộ Kế hoạch & Đầu tư, không thể chê các doanh nghiệp này khi họ đóng góp lớn vào xuất khẩu và tạo việc làm.
Theo các chuyên gia, việc cán cân thương mại cải thiện trong 11 tháng đầu năm đã đóng góp lớn cho tốc độ tăng trưởng kinh tế, trong đó phải kể đến vai trò của khu vực doanh nghiệp vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, kim ngạch xuất khẩu của khối FDI từ đầu năm đạt hơn 74 tỷ USD, chiếm gần gần 65% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Khu vực này cũng xuất siêu tới 6,2 tỷ USD, góp phần đưa cán cân thương mại cả nước thặng dư 900 triệu USD. Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp FDI trong ngành công nghiệp thời điểm 1/11 cũng tăng 7,8%, cao hơn mức tăng chung của cả ngành (4,5%).
Tuy nhiên, nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại về sự mất cân đối giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước. Cụ thể, xuất khẩu điện thoại và linh kiện 10 tháng đầu năm gần 18 tỷ USD đều từ doanh nghiệp FDI (chủ yếu là Samsung), khối này cũng chiếm 75% kim ngạch xuất khẩu giày dép, 60% kim ngạch dệt may… "Khoảng cách giữa thu nhập của doanh nghiệp nước ngoài với trong nước đang doãng ra", chuyên gia kinh tế Đoàn Hồng Quang của Ngân hàng Thế giới nhận định.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng doanh nghiệp FDI có những đóng góp lớn về sản phẩm, việc làm. |
Bên cạnh đó, hành vi chuyển giá của nhiều doanh nghiệp FDI còn gây thất thu cho ngân sách, bà Đoàn Thị Quyên - Viện Phát triển doanh nghiệp thuộc VCCI cho biết. Báo cáo mới đây của Tổng cục Thuế cho hay, năm 2011 có khoảng 45% doanh nghiệp FDI trong diện khảo sát (không gồm lĩnh vực dầu khí, ngân hàng) khai lỗ, tăng 9% so với năm 2019. Đặc biệt, gần 530 doanh nghiệp báo cáo lỗ nhưng vẫn tăng trưởng doanh thu, tập trung vào các ngành dệt, may, da giày, dịch vụ hỗ trợ kinh doanh, chế biến và bảo quản nông sản, lâm sản, thuỷ sản...
Do nhiều đơn vị báo lỗ nên hiệu quả tài chính của khu vực còn thấp, lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu năm 2010 chỉ đạt 10,26%, năm 2011 là 10,89%, tương đương lãi suất trái phiếu kho bạc. "Ngành Thuế đang phải đối mặt với tình trạng chuyển giá của các doanh nghiệp liên kết, nhất là doanh nghiệp FDI ngày càng gia tăng, tinh vi, phức tạp hơn", cơ quan này nhận định.
Trước tình trạng trên, trong chương trình "Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời" tối 15/12, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Bùi Quang Vinh đã bị chất vấn về sự mất cân đối trên và chính sách để khắc phục sự, tạo đà cho tăng trưởng kinh tế bền vững.
Tuy nhiên, vị tư lệnh ngành Đầu tư cho rằng "không nên phân biệt đối xử giữa FDI với các công ty trong nước". Theo ông, doanh nghiệp FDI khi vào hoạt động tại Việt Nam phải tuân thủ luật pháp, tạo ra những sản phẩm, dịch vụ phục vụ trong nước và xuất khẩu như các doanh nghiệp Việt Nam. Họ cũng góp phần thu hút lao động, đóng thuế và chuyển giao khoa học công nghệ.
Đồng quan điểm, trong một hội thảo của Bộ Kế hoạch & Đầu tư tuần qua, Thứ trưởng Đặng Huy Đông khẳng định "không thể chê nhà đầu tư FDI". Lấy ví dụ tại Samsung, ông cho biết thu nhập bình quân một năm của lao động nơi đây khoảng 2.400 USD, cao hơn 20% so với thu nhập bình quân cả nước (1.960 USD). "Không thể bỏ qua các doanh nghiệp FDI vì giá trị tạo ra trên mỗi hécta rất lớn và hàng chục nghìn người đang dựa vào đó", vị này nhấn mạnh.
Song, để doanh nghiệp Việt Nam vươn lên, đạt những thành quả tương tự doanh nghiệp FDI thì cần phải tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Chẳng hạn, theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, cần nhanh chóng mua bán nợ để các doanh nghiệp có chiến lược phát triển tốt. Với doanh nghiệp có điều kiện phát triển phải nhanh chóng giúp xóa nợ xấu, tiếp cận các nguồn tín dụng lãi suất thấp, đặc biệt, chính các doanh nghiệp Việt Nam cũng phải tự vươn lên, làm ăn bài bản hơn.
Bên cạnh đó, khu vực doanh nghiệp tư nhân cũng cần được quan tâm hơn. Ngoại trừ những lĩnh vực liên quan bí mật quốc gia, quốc phòng an ninh nhạy cảm, ảnh hưởng đến an ninh xã hội như thuốc nổ, chất độc hại... thì Nhà nước nên thoái vốn khỏi những lĩnh vực còn lại, tạo điều kiện cho tư nhân tham gia, Bộ trưởng Vinh bày tỏ. Đồng thời, tiếp tục tạo ra những khung khổ pháp lý mới để doanh nghiệp tư nhân được tiếp cận sòng phẳng các nguồn tài nguyên như doanh nghiệp Nhà nước.
"Đây là những vấn đề hết sức quan trọng và thiết yếu cho nền kinh tế Việt Nam, không chỉ cho năm 2014-2015 mà cho cả trung và dài hạn", người đứng đầu Bộ Kế hoạch & Đầu tư nói.
Bộ Kế hoạch & Đầu tư vừa có công văn yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo về tình hình đầu tư nước ngoài cả năm 2013 và kế hoạch năm 2014. Trong đó, Bộ yêu cầu các đơn vị đánh giá về tình hình cấp giấy chứng nhận đầu tư, triển khai dự án FDI trên địa bàn và các chỉ tiêu doanh thu, xuất khẩu, nộp ngân sách và lao động của các đơn vị. 11 tháng đầu năm 2013, cả nước đã thu hút được 20,8 tỷ USD vốn FDI, tăng 54% so với cùng kỳ và vượt mục tiêu đề ra (13 - 15 tỷ USD), theo số liệu Cục Đầu tư nước ngoài. Con số này tập trung vào các dự án công nghệ cao của Samsung, LG, lọc hóa dầu Nghi Sơn, nhiệt điện Vĩnh Tân... |
Phương Linh
Đăng ký: Bài đăng
0 nhận xét:
Đăng nhận xét