Cây cọ của bầu Đức dùng để làm gì?
Cọ là cây trồng không mấy quen thuộc ở Việt Nam nhưng lại là nguyên liệu quan trọng trong cuộc sống hàng ngày. |
Cọ là cây trồng không mấy quen thuộc ở Việt Nam nhưng lại là nguyên liệu quan trọng trong cuộc sống hàng ngày. Dầu cọ - được chiết xuất từ quả cọ - cùng với dầu nành là 2 loại nguyên liệu chính dùng để sản xuất dầu ăn (dầu thực vật) trên thế giới.
Dầu cọ được chiết xuất từ thịt (cùi) của quả cọ.Dầu cọ và các sản phẩm dầu cọ có khả năng chịu nhiệt và chống ô xy hóa rất tốt; do vậy dầu cọ được xem là nguyên liệu lý tưởng trong sản xuất hỗn hợp dầu chiên.
Bên cạnh đó, phần nhân/lõi (kernel) của quả cọ còn dùng để chiết xuất ra dầu lõi cọ (palm kernel oil).
Như nhiều loại dầu/chất béo khác, dầu cọ cũng có thể được dùng trong ngành công nghiệp hóa chất, mỹ phẩm, nhiên liệu sinh học...
Một chi tiết rất thú vị là các loại dầu ăn phổ thông tại Việt Nam phần lớn là loại dầu hỗn hợp của dầu cọ với các loại dầu khác, chẳng hạn như dầu nành, dầu cải... nhưng tìm trong thành phần lại không thấy từ cọ (palm). Thay vào đó là Olein, hoặc Palm Oil - một loại dầu cọ tinh luyện. Trong khi đó, có thể dễ dàng tìm thấy những sản phẩm 100% dầu nành nguyên chất hay 100% dầu hướng dương nguyên chất.
Việt Nam tiêu thụ một lượng rất lớn dầu cọ nhưng đến nay vẫn phải nhập khẩu 100% nguyên liệu này từ nước ngoài. Đây có lẽ là một trong những lý do quan trọng dẫn đến quyết định đầu tư trồng cọ dầu của bầu Đức và Hoàng Anh Gia Lai.
HAGL đánh giá một hecta cọ dầu hiện mang lại lợi ích kinh tế hơn hẳn một hecta cao su. Thời gian đầu tư của cọ chỉ bằng một nửa so với cao su, chỉ sau 30 tháng kể từ khi trồng, cây cọ dầu sẽ bắt đầu cho quả và đưa vào khai thác. Chi phí đầu mỗi hecta cọ chỉ bằng 60-70% so với cao su và hiện giá bán bình quân dao động từ 750-950 USD/tấn dầu.
Ưu thế của dầu cọ
Trong số các loại hạt có dầu thì cọ là loại mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất. Đối với cùng một hecta thì cọ cho sản lượng dầu gấp 12 lần các loại hạt có dầu khác. Trong số 10 loại hạt có dầu chính, cọ chỉ chiếm 5,3% diện tích đất sử dụng để canh tác nhưng đóng góp tới 31,3% tổng sản lượng dầu và chất béo thực vật toàn cầu trong năm 2011.
Hai nước láng giềng của Việt Nam là Malaysia và Indonesia sản xuất tới 85% lượng dầu cọ toàn cầu. Các nước khác bao gồm Thái Lan, Colombia… Trung Quốc là nước tiêu thụ nhiều dầu cọ nhất, tiếp đến là EU, Ấn Độ và Hoa Kỳ.
Năm 2011, lượng tiêu thụ dầu và chất béo trên toàn cầu là hơn 178 triệu tấn. Trong đó, ba loại dầu chính là Dầu cọ, Dầu nành và Dầu hạt cải đóng góp tới 65%.
Trên thị trường thương mại quốc tế, lượng giao dịch là 68,7 triệu tấn. Trong đó, dầu cọ chiếm phần lớn với tỷ trọng 57%.
Những doanh nghiệp trồng và kinh doanh dầu cọ lớn nhất thế giới là Wilmar, Sime Darby Plantation, IOI, Golden Agri Resources…Wilmar chính là công ty mẹ của Dầu thực vật Cái Lân, công ty đứng đầu thị trường dầu ăn Việt Nam với các thương hiệu như Neptune hay Simply. Còn Sime Darby có vốn góp trong liên doanh Golden Hope Nhà Bè.
Kiến Khang
CafeBiz/Trí thức trẻ
Đăng ký: Bài đăng
0 nhận xét:
Đăng nhận xét